Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016
Đạo đức kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Phần thưởng cho trách nhiệm đạo đức và
trách nhiệm xã hội trong các quyết định kinh doanh bao gồm hiệu quả trong các
hoạt động hàng ngày tăng cao, sự tận tâm của các nhân viên, chất lượng sản phẩm
được cải thiện, đưa ra quyết định đúng đắn hơn, sự trung thành của khách hàng
và lợi ích về kinh tế lớn hơn. Các tổ chức phát triển được một môi trường trung
thực và công bằng sẽ gây dựng được nguồn lực đáng quý có thể mở rộng cánh cửa
dẫn đến thành công.
Mối quan hệ tương hỗ
Các tổ chức được xem là có đạo đức thường có nền tảng là các khách
hàng trung thành cũng như đội ngũ nhân viên vững mạnh, bởi sự tin tưởng và phụ
thuộc lẫn nhau trong mối quan hệ. Nếu các nhân viên hài lòng thì khách hàng sẽ
hài lòng, và nếu khách hàng hài lòng thì các nhà đầu tư sẽ hài lòng.
Các khách hàng có xu hướng thích mua hàng của các công ty có đạo
đức trong kinh doanh, không bị điều tiếng gì trên thương trường, đặc biệt
là khi giá cả của công ty đó không chênh lệch với giá của các công ty đối thủ.
Khi các nhân viên cho rằng tổ chức của mình có một môi trường đạo đức, họ sẽ
tận tâm hơn và hài lòng với công việc của mình hơn.
Các công ty cung ứng thường muốn làm ăn lâu dài với các công ty mà
họ tin tưởng để có thể xóa bỏ được sự không hiệu quả trong hợp tác và những
nguy cơ. Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, trách nhiệm xã
hội và uy tín của các công ty mà họ đầu tư, bởi một môi trường đạo đức là nền
tảng cho sự hiệu quả, năng suất và lợi nhuận. Mặt khác, công luận tiêu cực cũng
có thể làm giảm giá cổ phiếu, giảm sự trung thành của khách hàng và đe dọa hình
ảnh lâu dài của công ty. Các vấn đề về pháp lý và công luận tiêu cực có những
tác động rất xấu tới sự thành công của bất cứ một công ty nào.
Theo một nghiên cứu tiến hành với 500 tập đoàn lớn nhất ở Mỹ thì
những doanh nghiệp cam kết thực hiện các hành vi đạo đức và chú trọng đến việc
tuân thủ các quy định đạo đức nghề nghiệp thường đạt được thành công lớn về mặt
tài chính. Sự quan tâm đến đạo đức đang trở thành một bộ phận trong chiến lược
của các doanh nghiệp. Đạo
đức kinh doanh đang dần trở
thành một vấn đề quản lý trong nỗ lực dành lợi thế cạnh tranh.
Trách nhiệm công dân của doanh nghiệp có liên hệ tích cực đến lãi
đầu tư, tài sản và mức tăng doanh thu. Trách nhiệm công dân của doanh nghiệp là
đóng góp của một doanh nghiệp cho xã hội bằng hoạt động kinh doanh chính của
mình, đầu tư xã hội, các chương trình mang tính nhân văn và sự cam kết của
doanh nghiệp vào chính sách công, là cách mà doanh nghiệp đó quản lý các mối
quan hệ kinh tế, xã hội, môi trường và là cách mà doanh nghiệp cam kết với các
bên liên đới có tác động đến thành công dài hạn của doanh nghiệp đó.
Một doanh nghiệp không thể nuôi dưỡng và phát triển một môi trường
tổ chức có đạo đức nếu kinh doanh không có lợi nhuận. Các doanh nghiệp có nguồn
lực lớn hơn, thường có phương tiện để thực thi trách nhiệm công dân của mình
cùng với việc phục vụ khách hàng, tăng giá trị nhân viên, thiết lập lòng tin
với cộng đồng. Nhiều nghiên cứu đã tìm ra mối quan hệ tích cực giữa trách nhiệm
công dân với thành tích công dân. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh sai
trái thường phải chịu sự giảm lãi trên tài sản hơn là các doanh nghiệp không
phạm lỗi.
Hai giáo sư John Kotter và James Heskett - Trường Đào tạo quản lý
kinh doanh thuộc Harvard, tác giả cuốn sách “Văn
hóa công ty và chỉ số hoạt
động hữu ích”, đã phân tích những kết quả khác nhau ở các công ty có truyền
thống đạo đức khác nhau.
Công trình nghiên cứu của họ cho thấy, trong vòng 11 năm, những
công ty “đạo đức cao” đã nâng được thu nhập của mình lên tới 682% (trong khi
những công ty đối thủ thường thường bậc trung về chuẩn mực đạo đức chỉ đạt được
36%). Giá trị cổ phiếu của những công ty “đạo đức cao” trên thị trường chứng
khoán tăng tới 901% (còn ở các đối thủ “kém” hơn, chỉ số này chỉ là 74%).
Có nhiều minh chứng cho thấy, việc phát triển các chương trình đạo
đức có hiệu quả trong kinh doanh không chỉ giúp ngăn chặn các hành vi sai trái
và còn mang lại những lợi thế kinh tế. Mặc dù các hành vi đạo đức trong một tổ
chức là rất quan trọng xét theo quan điểm xã hội và quan điểm cá nhân, những
khía cạnh kinh tế cũng là một nhân tố quan trọng không kém. Đạo đức không phải
là nhân tố duy nhất có thể mang lại những thành công về tài chính, nhưng đạo
đức sẽ giúp doanh nghiệp hình thành và phát triển bền vững.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét