Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016
Nội dung cơ bản của văn bản triết lý kinh doanh
Trong thực tế, triết lý kinh doanh của các doanh
nghiệp thể hiện dưới nhiều hình thức như: một bài hát về công ty, một bản tuyên
bố về qui tắc đạo đức kinh doanh, triết lý không tuyên bố hay không diễn đạt
bằng văn bản, một văn bản triết lý rõ ràng… Tùy theo phạm vi quan tâm của tổ
chức và khả năng của các nhà quản trị có liên quan, triết lý kinh doanh sẽ được
hình thành theo nội dung phù hợp.
Qua tổng kết tư tưởng trong triết lý kinh doanh của
nhiều tổ chức, các nhà nghiên cứu đã phân tích và nhận thấy rằng văn bản triếtlý kinh doanh có hai thành phần cơ bản như sau:
a) Mục tiêu lâu dài của tổ chức
Phần này thể hiện những mong muốn cần đạt được trong
kỳ hạn dài của những người sáng lập doanh nhgiệp, nhà quản trị cấp cao cũng như
các thành viên trong tổ chức. Mục tiêu lâu dài trong văn bản triết lý kinh doanh thường có vẻ gần gũi với nhiệm vụ của tổ chức hơn là những mục tiêu định lượng
hoặc định tính thông thường trong các bản kế hoạch chiến lược hay kế hoạch tác
nghiệp. Vì vậy, khi hình thành mục tiêu lâu dài trong triết lý kinh doanh, các
nhà quản trị cần chú ý đặc điểm này. Tùy theo quy mô hoạt động và những khả
năng tiềm tàng, mục tiêu trong triết lý kinh doanh cần thích ứng với vị thế của
doanh nghiệp trên thị trường, điều này sẽ hạn chế tính phi thực tế trong triết lý kinh doanh.
Ví dụ: Mục tiêu của Công ty Dayton Hudson của Mỹ có
những nội dung như:
+ Sản phẩm và dịch vụ của công ty luôn đáp ứng nhu cầu và
mong muốn của khách hàng mục tiêu.
+ Góp phần vào sự phát triển nghề nghiệp của các
thành viên trong tổ chức.
+ Đem lại lợi nhuận thỏa đáng cho các cổ đông.
+ Phục vụ cộng đồng nơi công ty hoạt động.
Hoặc mục tiêu của tập đoàn Sony:
+ Phục vụ toàn thế giới.
+ Cố gắng làm cho mọi người có thể cống hiến hết khả
năng của mình.
+ Là người đi tiên phong, khai phá con đường mới.
Còn công ty Trung Cương của Đài Loan tuyên bố mục
tiêu của mình:
+ Là nền tảng cho các ngành công nghiệp khác.
+ Mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
+ Phục vụ lợi ích tổng thể quốc gia.
Như vậy, những mục tiêu trong triết lý kinh doanh của
các doanh nghiệp thể hiện rõ những mong muốn có tính triết lý mà tổ chức cần
đạt được trong tương lai theo tầm cỡ hay vị thế của doanh nghiệp trên thị
trường.
b) Phương thức hay nguyên tắc hành động
Để có thể đạt được các mục tiêu mong muốn, doanh
nghiệp cần có những phương tiện khả thi, phù hợp với môi trường kinh doanh. Vì
vậy, triết lý kinh doanh không chỉ đề cập đơn thuần các mục tiêu, mà còn đưa ra
phương thức hay nguyên tắc hành động mang định hướng lâu dài, giúp tổ chức có
cơ sở lựa chọn biện pháp hay những công cụ phù hợp để đạt được các mục tiêu.
Trong văn bản triết lý kinh doanh, mục tiêu và phương thức hành động có mối
quan tương hỗ với nhau.
Ví dụ: Theo quan điểm marketing – xã hội trong triết
lý quản trị marketing hiện đại, mục tiêu của hoạt động marketing là “Đạt được
lợi nhuận thông qua việc thỏa mãn tối đa nhu cầu, mong muốn và các lợi ích lâu
dài dành cho khách hàng và xã hội”, và phương thức hành động là “Doanh nghiệp cần xác
định nhu cầu, mong muốn và những lợi ích của thị trường mục tiêu, thực hiện
việc phân phối các giá trị một cách có hiệu quả nhằm thỏa mãn tối đa các nhu
cầu của khách hàng hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh bằng cách duy trì và nâng cao
các phúc lợi lâu dài của khách hàng và xã hội”.
Hoặc triết lý quản trị nhân sự đề ra mục tiêu là
“Khai thác tối đa các khả năng sáng tạo tiềm tàng của người lao động nhằm giúp
các tổ chức luôn có những cái mới để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường” và phương thức
hay nguyên tắc hành động tương ứng là “Thu hút lao động giỏi, đánh giá đúng
năng lực, phân công đúng vị trí, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời, đãi ngộ thỏa
đáng vật chất lẫn tinh thần… để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó lâu
dài với tổ chức”.
Những công ty hàng đầu thế giới, có quá trình hoạt
động lâu đời luôn nhấn mạnh yếu tố con người, họ xem con người là tài sản, là
nguồn lực quan trọng nhất trong quá trình phát triển; đồng thời, họ cũng nhấn
mạnh tính hợp pháp và tính đạo lý của các loại phương tiện và các biện pháp
được sử dụng khi tiến hành sản xuất kinh doanh. Vì vậy, một công ty dùng các
thủ đoạn để bóc lột sức lao động của nhân viên, lừa dối khách hàng, hối lộ viên
chức chính phủ để có được lợi thế trong cạnh tranh… có thể đạt lợi nhuận cao,
thị phần lớn trên thị trường tại một thời điểm nào đó sẽ không được đánh giá
tốt và khó thành công lâu dài. Ngoài ra, phương thức hành động trong triết lý kinh doanh còn thể hiện đặc trưng nổi bật của tổ chức này so với tổ chức khác,
đây là cơ sở để định vị và tạo danh tiếng lâu dài cho công ty trên thị trường.
Chẳng hạn, Chủ tịch tập đoàn Intel nói về triết lý quản trị của ông: “Công việc
của tổ chức không phải là công việc của cá nhân mà là công việc tập thể. Hiệu
suất của một nhà quản trị là hiệu suất của những đơn vị cấp dưới do nhà quản
trị này giám sát. Muốn đạt được hiệu quả cao trong kinh doanh, nhà quản trị
phải tăng cường đào tạo và thúc đẩy nhân viên của mình hướng vào mục tiêu chung
của tổ chức… Người quản lý có vai trò giống như một huấn luyện viên, họ không
đạt được vinh quang từ hoạt động của bản thân mà ở kết quả hoạt động của toàn
đội do anh ta phụ trách. Vì vậy, cần biến nơi làm việc thành một đấu trường để
có thể biến cấp dưới thành những vận động viên, góp phần thực hiện công việc
bằng tất cả các năng lực tiềm tàng của mình, đó là chìa khóa để biến đội của
chúng ta thành những người luôn chiến thắng…”.
Những tư tưởng này đã phát triển thành văn bản triết lý kinh doanh của Intel “Đối với Intel, sắp xếp chức trách của từng vị trí theo
mục tiêu sự nghiệp chỉ là mục tiêu khái quát, chúng tôi còn tìm cách tạo ra một
môi trường khiến cho nhân viên vừa yêu mến công việc, vừa đạt được các mục tiêu
cá nhân. Chúng tôi cố gắng cung cấp các cơ hội để phát triển nhân viên nhanh
chóng thông qua quá trình đào tạo. Chúng tôi tin vào nguyên tắc cho rằng lao
động chăm chỉ và năng suất là hai điều mà người ta phải lấy làm tự hào, người
ta phải tìm kiếm và khen ngợi một tổ chức có kỷ luật chặt chẽ. Trách nhiệm của
nhân viên được xác định rõ ràng, việc tuyển dụng nhân lực phải nhằm mục đích
lâu dài, nếu có những bất trắc về công việc thì tiến hành sắp xếp lại hơn là sa
thải. Chúng tôi muốn tất cả nhân viên của công ty đều cảm thấy có liên quan và có
mối quan hệ chặt chẽ với Intel. Chúng tôi muốn nhân viên thật sự quan tâm đến
công ty của mình. Vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh đến chất lượng giao tiếp và tìm
mọi cách để tổ chức công ty thành những nhóm càng nhỏ càng tốt nhằm phát triển
thống nhất và đầy tính thân thiện. Chúng tôi mong muốn tất cả nhân viên của
công ty ứng xử có đạo đức…”
Tùy theo đặc điểm tổ chức, nội dung triết lý kinh doanh có thể được trình bày khác nhau. Trong đó, phần phương thức hành động
thường thể hiện hai nội dung cơ bản là những triết lý về đạo đức kinh doanh và
triết lý về biện pháp quản trị. Đây là cơ sở quan trọng giúp các nhà quản trị
chiến lược xác định nhiệm vụ của tổ chức, các chiến lược, các chính sách kinh
doanh…
Triết lý về đạo đức kinh doanh:
Đây là hệ thống những giá trị mà doanh nghiệp sử dụng
vừa để định hướng, vừa làm thước đo hành vi ứng xử của các thành viên trong các
mối quan hệ đối nội và đối ngoại như: Quan hệ giữa con người với con người,
giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với xã hội và trong bản thân các
hoạt động nghề nghiệp chuyên môn cụ thể của mỗi cá nhân. Tư tưởng trong triết
lý về đạo đức kinh doanh chứa đựng cả tư tưởng nguyên tắc đạo đức lẫn các trách
nhiệm xã hội mà doanh nghiệp hay tổ chức cần thực hiện trong tiến trình quản
trị chiến lược.
Trong thực tế, triết lý về đạo đức kinh doanh vừa
liên quan đến đạo lý, vừa liên quan đến pháp lý mà các nhà quản trị muốn vạch
ra để định hướng triển khai văn bản qui tắc đạo đức kinh doanh thông qua các
điều khoản cụ thể trong tiến trình tổ chức thực hiện chiến lược. Những tiêu
chuẩn về đạo lý và pháp lý ở từng quốc gia trên thế giới không hoàn toàn giống
nhau. Vì vậy, khi hình thành tư tưởng đạo đức và trách nhiệm xã hội trong triết
lý về đạo đức kinh doanh, các nhà quản trị cần nghiên cứu các yếu tố thuộc môi
trường pháp lý và văn hóa ở mỗi khu vực thị trường một cách cẩn thận nhằm quyết
định các điều khoản liên quan thích nghi với môi trường kinh doanh hay môi
trường hoạt động.
Các tập đoàn đa quốc gia của các nước phát triển
thường triển khai triết lý về đạo đức kinh doanh thành văn bản “Qui tắc đạo đức
kinh doanh” cụ thể khi tiến hành tổ chức thực hiện các chiến lược và phổ biến
rộng rãi cho toàn thể các thành viên của tổ chức ở các chi nhánh theo khu vực
địa lý để mọi người cùng hiểu và thực hiện. Nội dung cơ bản của văn bản này là
giống nhau, nhất là những tiêu chuẩn đạo đức được thừa nhận rộng rãi khắp mọi
nơi như mối quan hệ trong ứng xử giữa con người với con người, những phần khác
có thể điều chỉnh để thích nghi với văn hóa địa phương.
Triết lý về biện pháp quản trị
Triết lý về biện pháp quản trị là những tư tưởng chủ
đạo về các công cụ quản trị cần thiết, phù hợp với các qui chuẩn đạo đức, có
thể giúp tổ chức thành công và đạt được các mục tiêu lâu dài. Những tư tưởng
này liên quan đến các nguồn lực: Nhân lực, các nguồn lực vật chất (vốn bằng
tiền, máy móc, thiết bị…), các nguồn lực vô hình (chiến lược, chính sách, cơ
cấu tổ chức, văn hóa tổ chức, danh tiếng…) và các nguyên tắc phối hợp và sử
dụng các nguồn lực có hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Trong thực tế, triết lý về biện pháp quản trị đã được
nhiều nhà quản trị hoặc những nhà sáng lập công ty hàng đầu thế giới đề cập
trong các văn bản triết lý kinh doanh của họ. Trong đó, hai nội dung cơ bản của
phương thức hành động trong triết lý kinh doanh thường được trình bày theo thứ
tự hoặc đan xen với nhau. Tùy theo đặc trưng văn hóa tổ chức, các nhà quản trị
các tổ chức sẽ nhấn mạnh phương thức hành động đối nội hay đối ngoại hoặc kết
hợp hài hòa cả trong lẫn ngoài.
Ví dụ: Công ty HP “Nhân lực là vấn đề trọng yếu,
doanh nghiệp chỉ thành đạt nếu biết dựa trên sự thành công của các cá nhân. Vì
vậy phải coi trọng nhân viên và tạo điều kiện cho họ lao động hết mình và được
hưởng thụ xứng đáng từ thành quả lao động của mình…”
Đối với công ty Trung Cương của Đài Loan, triết lý kinh doanh gồm có 4 phần:
+ Phần 1: Mục tiêu kinh doanh
+ Phần 2: Thái độ làm việc
+ Phần 3: Nguyên tắc đối nhân xử thế
a) Lấy nhân ái mà đối đãi với người
b) Lấy kinh nghiệm mà xử sự với
người.
+ Phần 4: 12 nguyên tắc quản lý cơ bản.
a) Tập tục phải tốt đẹp
b) Cơ cấu tổ chức phải phù hợp môi
trường
c) Dùng người phải tinh giản
d) Biết người rồi phải khéo dùng
người
e) Tăng cường đào tạo
f) Kỷ luật nghiêm minh
g) Mạnh dạn giao quyền
h) Nâng cao hiệu suất hoạt động
i) Chi tiêu tiết kiệm
j) Quy tắc, điều lệ
phải thay đổi kịp thời
k) Luôn tìm cái mới
l) Phục vụ khách hàng
phải nhiệt tình
Hoặc công ty Disney có “Mười nguyên tắc vàng” như
sau:
a) Phải xem trọng chất lượng nếu
muốn sống còn
b) Phải luôn lịch thiệp, ân cần để
gây thiện cảm tối đa
c) Luôn nở nụ cười nếu không muốn
phá sản
d) Chỉ có tập thể mới đem lại thành
công
e) Không bao giờ biết từ chối và
lắc đầu với khách hàng
f) Không bao giờ nói “Không”,
mà phải nói “Tôi rất hân hạnh được làm việc này”
g) Bề ngoài phải tươm tất, vệ sinh
tối đa
h) Luôn có mặt khi khách hàng cần
và hiểu rõ nhiệm vụ của mình.
i) Tuyển những nhân
viên làm việc có hiệu quả nhất, những người thông thạo nghề nghiệp nhất.
j) Mục tiêu cao cả:
Chứng tỏ mình là hình ảnh đẹp nhất và luôn cho khách hàng biết rằng họ đang
được phục vụ bởi những người làm việc hết mình.
Như vậy, văn bản triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức, nội dung các ý tưởng được diễn đạt cô động hay giải thích rõ ràng tùy theo quan điểm hoặc thói quen của nhà quản trị các công ty… Dù hình thức có khác nhau, nhưng chúng đều thể hiện các quy tắc cụ thể và được các công ty sử dụng như một phương tiện để hướng dẫn suy nghĩ và hành vi ứng xử của các thành viên trong tổ chức một cách thống nhất
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét