Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016
Phương pháp hình thành triết lý kinh doanh
Trong thực tế, việc hình thành triết lý kinh doanh
được tiến hành theo hai phương pháp cơ bản:
a) Triết lý kinh doanh được hình thành từ kinh nghiệm
kinh doanh trong thực tiễn.
Đây là phương pháp hình thành triết lý kinh doanh phổ
biến của nhiều doanh nghiệp lớn, có truyền thống lâu đời, tiếp tục tồn tại,
phát triển và thành công đến nay. Phương pháp này đượ sử dụng phổ biến ở các
công ty của Nhật và các công ty chịu ảnh hưởng của văn hóa Phương Đông.
Ví dụ: Tập đoàn Matsushita Electric của Nhật thành
lập từ 1917, nhưng đến 1930 mới hình thành triết lý kinh doanh chính thức.
Triết lý kinh doanh của tổ chức được nhà sáng lập tập đoàn là Konosuke
Matsushita (1894 – 1989) đúc kết từ thực tiễn hoạt động, đưa ra những quan điểm
mang tính triết lý về nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống và quản lý kinh
doanh. Một số tư tưởng trong triết lý kinh doanh của Matsushita Electric được
nhà sáng lập viết lại trong tác phẩm “Bản lĩnh trong kinh doanh và cuộc sống”
như: Trong quản lý: “quản lý công khai” là đường lối căn bản của công ty, “Con người là yếu
tố quan trọng nhất, sức mạnh của công ty được xác định bởi những con người đang
làm việc”, “Matsushita Electric tạo ra con người trước khi tạo ra các thiết bị
gia dụng”… Trong kinh doanh,
“Sự tồn tại của công ty dựa vào một cấu trúc phức tạp, có mối quan hệ qua lại
giữa nhiều nhóm hoặc nhiều cá nhân khác nhau: Nhà cung cấp, nhà trung gian,
người tiêu thụ, cổ đông, cộng đồng địa phương… nhà quản trị phải nhận thức rõ
tính chất phức tạp này và luôn chú ý tạo sự thịnh vượng chung cho mọi người”,
“Trách nhiệm của công ty là tạo ra lợi nhuận và tái đầu tư một phần vào nhà
máy, thiết bị cũng như nghiên cứu và phát triển,… Việc tạo ra lợi nhuận phải
kết hợp với đạo đức kinh doanh…”.
Ngoài ra, công ty Hewlett Packard (HP) của Mỹ cũng là
một ví dụ về phương pháp hình thành triết lý kinh doanh từ thực tiễn hoạt động.
HP thành lập từ năm 1937, trong quá trình phát triển, các nhà sáng lập tổng kết
những thành công và thất bại để hình thành triết lý kinh doanh chính thức vào
năm 1957; tức là sau 20 năm, văn bản triết lý kinh doanh chính thức của HP mới
đến được tất cả nhân viên. Tư tưởng trong triết lý kinh doanh của HP gần gũi
với các công ty của Nhật, chẳng hạn nguyên tắc dùng người của HP: “An toàn công
việc là mục tiêu của công ty,… chúng tôi mong muốn mỗi nhân viên có việc làm và
yên tâm làm việc cho công ty để cùng lớn lên cùng công ty…”
Phương pháp hình thành triết lý kinh doanh từ thực
tiễn hoạt động tuy mất nhiều thời gian, nhưng tư tưởng triết lý thường rất sâu
sắc và có tính khả thi cao. Ở Việt Nam , các doanh nghiệp có quá trình
hoạt động lâu năm, phương hướng kinh doanh ổn định… có thể vận dụng phương pháp
này để hình thành triết lý kinh doanh chính thức cho tổ chức.
b) Triết lý kinh doanh có tính định hướng, được hình
thành trước thông qua con đường thảo luận từ trên xuống.
Trong thực tế, nhiều nhà quản trị nhận thức rõ tầm
quan trọng của triết lý kinh doanh trong quản trị doanh nghiệp nên chủ động xây
dựng nó trước để phục vụ nhu cầu quản trị kinh doanh. Phương pháp này thông
dụng ở Mỹ và các công ty chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Hiện nay,
phương pháp này được nhà quản trị các doanh nghiệp mới khởi nghiệp sử dụng phổ
biến nhằm chủ động trong quá trình quản trị chiến lược và có cơ hội rút ngắn
khoảng cách trong cạnh tranh với các công ty ra trước trên các khu vực thị
trường.
Theo phương pháp này, Hội đồng quản trị hay chủ doanh
nghiệp lập ra một nhóm chuyên trách soạn thảo văn bản triết lý kinh doanh cho
doanh nghiệp. Công việc của nhóm này thực hiện như sau:
+ Thứ nhất: Tiến hành phỏng vấn tất cả các thành viên
của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc về quan điểm cá nhân của họ đối với công
việc kinh doanh của doanh nghiệp hiện tại và tương lai, kể cả các quan điểm về
các mối quan hệ đối nội và đối ngoại. Trên cơ sở đó, nhóm này sẽ tổng kết tất
cả các ý kiến đã thu thập thành văn bản chính thức, thể hiện các quan điểm cơ
bản về nhiệm vụ và mục tiêu của tổ chức, chiến lược và những chính sách kinh
doanh lâu dài… Các nhà quản trị cấp cao sẽ tiến hành thảo luận nội dung này,
những ý kiến thống nhất về từng chủ đề sẽ được nhóm soạn thảo tập hợp lại và
phác thảo sơ bộ văn bản triết lý kinh doanh.
+ Thứ hai: Văn bản triết lý kinh doanh sơ bộ được đưa
xuống tất cả các bộ phận cấp dưới để thảo luận nhằm thu hút ý kiến đóng góp của
mọi thành viên trong tổ chức. Nhà quản trị cấp cao của tổ chức công khai khuyến
khích mọi người tham gia thảo luận, thẳng thắn trình bày quan điểm cá nhân về
những vấn đề có liên quan nhằm làm cho văn bản triết lý kinh doanh có tính thực
tế và mọi thành viên có khả năng chấp nhận dễ dàng. Những ý kiến phát biểu
trong các cuộc thảo luận được lập thành văn bản và gửi trở lên các nhà quản trị
cấp cao thông qua nhóm soạn thảo văn bản.
+ Thứ ba: Trên cơ sở ý kiến hai bên, cả người quản lý
và người thừa hành, nhóm soạn thảo tiến hành tổng kết để hoàn chỉnh văn bản
triết lý kinh doanh và trình lên các nhà quản trị cấp cao. Văn bản này được nhà
quản trị cấp cao xem xét, thảo luận lại các chi tiết một lần nữa. Nếu thống
nhất về nội dung, nhà quản trị cấp cao nhất sẽ phê chuẩn và ra quyết định ban
hành văn bản triết lý kinh doanh chính thức của doanh nghiệp. Nếu chưa thống
nhất về nội dung, văn bản này sẽ được tiến hành làm lại từ đầu.
Nhiều công ty của Mỹ sử dụng phương pháp này để hình
thành triết lý kinh doanh, ví dụ: Tập đoàn Intel, công ty Rockwell
International…
Mặc dù văn bản triết lý kinh doanh đã được ban hành, nhưng nếu môi trường kinh doanh có những thay đổi trong quá trình hoạt động, triết lý kinh doanh vẫn có thể có được điều chỉnh, bổ sung để thích nghi với môi trường. Trong thực tế, chính phủ của các quốc gia trên thế giới cũng hình thành triết lý hoạt động để định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, triết lý này cũng được điều chỉnh theo thời gian để thích nghi với xu hướng của thời đại. Chẳng hạn hơn hai mươi năm trước, triết lý phát triển kinh tế – xã hội của Trung Quốc là “Tất cả để phát triển”, ngày nay là “Phát triển toàn diện, bền vững, chặt chẽ”.
Đối với các doanh nghiệp mới phát triển của Việt Nam , đây là
phương pháp phù hợp nên sử dụng để hình thành triết lý kinh doanh chính thức
nhằm khẳng định vị trí và những khả năng tiềm tàng của mình trên con đường phát
triển.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét