Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016
Vai trò của triết lý kinh doanh trong quản trị doanh nghiệp
Triết lý kinh doanh tốt có những vai trò cơ bản trong
quá trình quản trị chiến lược của doanh nghiệp như:
a) Triết lý kinh doanh là nền tảng cốt lõi của văn hóa tổ chức
Mỗi tổ chức có những giá trị văn hóa riêng, bao gồm
những yếu tố như: Những giá trị cốt lõi, những chuẩn mực chung, những niềm tin,
những giai thoại, các nghi lễ, thói quen… ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi ứng
xử của các thành viên trong quá trình hoạt động. Mỗi yếu tố có những đặc trưng,
thể hiện bản sắc văn hóa mà những thành viên nòng cốt ban đầu hay các nhà sáng
lập mang vào. Trong quá trình hoạt động, bản sắc văn hóa tổ chức được hoàn
thiện dần để thích nghi với môi trường bên ngoài, thích nghi với cộng đồng và
phù hợp với tập thể bên trong tổ chức. Tùy theo môi trường hoạt động ở mỗi khu
vực thị trường, bản sắc văn hóa của mỗi tổ chức sẽ thể hiện các tư tưởng truyền
thống của xã hội phương Đông (gốc nông nghiệp lúa nước) hay phương Tây (gốc
chăn nuôi đại gia súc hay gốc du mục), hoặc đan xen tư tưởng của cả hai xã hội.
Do những đặc thù trong quá trình phát triển, những tư
tưởng tồn tại trong xã hội phương Đông hay phương Tây đều có những giá trị văn
hóa và các yếu tố phi văn hóa. Trong quá trình giao lưu tự nguyện hay bắt buộc
giữa các dân tộc trên thế giới, những tư tưởng có giá trị văn hóa và những tư
tưởng phi văn hóa của xã hội phương Đông và phương Tây lan rộng và hiện hữu ở khắp
mọi nơi, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người. Vì vậy, khi hình
thành triết lý kinh doanh, các nhà quản trị chiến lược và/hoặc người sáng lập
doanh nghiệp cần lựa chọn những tư tưởng có giá trị của cả hai nền văn hóa
trong xã hội để đề xuất các mục tiêu, phương thức hành động, phù hợp đạo lý và
pháp lý ở mỗi quốc gia. Những giá trị cốt lõi ban đầu này chính là nền tảng
hình thành và phát triển văn hóa của tổ chức hay văn hóa công ty.
Trong thực tế, nơi nào văn hóa tổ chức được hình
thành và phát triển một cách chủ động thì nơi đó tích tụ được các tinh hoa của
văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Những biểu hiện tiêu biểu như: Các nhà quản
trị coi trọng tính sáng tạo của con người, quyết đoán, dám chấp nhận rủi ro, đề
cao tinh thần hợp tác, cởi mở và trung thực trong các mối quan hệ, đề cao tính
hiệu quả, quan tâm lợi ích lâu dài…; vì vậy, bầu không khí trong tổ chức luôn
thoải mái, mọi người làm việc một cách nhiệt tình và muốn gắn bó lâu dài với tổ
chức. Ngược lại, những nơi không có triết lý kinh doanh, văn hóa tổ chức thường
phát triển tự phát, đồng thời nơi đó tích tụ nhiều yếu tố phi văn hóa của cả xã
hội phương Đông lẫn phương Tây, những biểu hiện tiêu biểu như: Nhà quản trị hay
chủ doanh nghiệp không coi trọng vai trò của con người, không dám quyết đoán,
sợ rủi ro cho cá nhân, tư tưởng hẹp hòi, chỉ quan tâm lợi ích cá nhân trước
mắt, thiếu trung thực, không quan tâm đến hiệu quả, xâm lấn quyền lợi người
khác và thường chiếm hữu những gì của người khác..; vì vậy, bầu không khí trong
tổ chức nặng nề, người này có tâm lý đề phòng người kia, mọi người không yên
tâm làm việc, đố kỵ lẫn nhau, tung tin đồn nhảm để làm mất uy tín người không
cùng phe nhóm… Những doanh nghiệp không có triết lý kinh doanh thường không coi
trọng đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp nên khó phát triển các giá trị
văn hóa tổ chức bền vững và doanh nghiệp khó thành công và đạt được hiệu quả
lâu dài.
b) Triết lý kinh doanh là cơ sở giúp tổ chức hoàn
thành nhiệm vụ, đạt được các mục tiêu, thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc
kinh doanh và nâng cao các giá trị văn hóa tổ chức.
Khi hình thành triết lý kinh doanh, các nhà quản trị
tuyên bố rõ các mục tiêu chiến lược, qui tắc đạo đức kinh doanh và các biện
pháp quản trị hữu hiệu các nguồn lực để doanh nghiệp tồn tại lâu dài. Triết lý kinh doanh phù hợp với nguyện vọng của các thành viên trong tổ chức, nó sẽ được
chấp nhận nhanh chóng và những tư tưởng cốt lõi sẽ ăn sâu vào tiềm thức mỗi
người và tồn tại bền vững theo thời gian. Ngay khi có sự thay đổi nhân sự quản
trị cấp cao, tư tưởng cốt lõi của triết lý kinh doanh cũng khó thay đổi và các
giá trị văn hóa của tổ chức tiếp tục phát triển. Điều này đã được Akio Morita –
nhà sáng lập tập đoàn Sony giải thích: “Vì người lao động làm việc với công ty
trong một thời gian dài, họ thấm nhuần tư tưởng trong triết lý kinh doanh và họ
kiên trì giữ vững quan điểm trong quá trình làm việc. Lý tưởng của công ty
không thay đổi, vì vậy, khi tôi rời khỏi công ty để nghỉ hưu, triết lý của công
ty vẫn tiếp tục tồn tại…”. Trong thực tế, điều này cũng diễn ra ở nhiều công ty
khác nhau như Matsushita, Honda, Hitachi… của Nhật và những công ty hàng đầu
của Tây Âu, Mỹ. Chẳng hạn, tập đoàn IBM của Mỹ có lịch sử tồn tại hơn 80 năm và
trải qua nhiều đời chủ tịch, những triết lý cơ bản do nhà sáng lập là ông
Thomas Watson – chủ tịch đầu tiên của tập đoàn nêu ra vẫn tiếp tục phát huy tác
dụng tồn tại đến ngày nay.
Như vậy, triết lý kinh doanh đúng đắn là nền tảng
vững chắc giúp doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ, đạt được các mục tiêu mong
muốn, củng cố và nâng cao các giá trị văn hóa của tổ chức theo thời gian.
c) Triết lý kinh doanh là một nguồn lực tinh thần, là
động cơ thúc đẩy sự nhiệt tình, phát huy tính sáng tạo các thành viên, giúp tổ
chức phát triển liên tục.
Khi nghiên cứu vai trò của triết lý kinh doanh trong
quản trị doanh nghiệp, các nhà quản trị của các công ty hàng đầu thế giới khẳng
định rằng triết lý kinh doanh còn là một nguồn lực vô hình, tạo ra các niềm tin
để thúc đẩy tinh thần các thành viên trong tổ chức tiến hành các công việc một
cách nhiệt tình và sáng tạo. Nhà nghiên cứu người Nhật U.Waykaki đã rút ra kết
luận: “Nguồn tài sản trong kinh doanh của doanh nghiệp hiểu theo nghĩa rộng,
ngoài con người, tiền vốn, vật tư, hàng hóa… còn bao gồm những nguồn tài sản mà
mắt thường không nhìn thấy, nhưng có tác dụng cực kỳ to lớn. Nguồn tài sản vô
hình đó là phong thái văn hóa tổ chức, mà cốt lõi của phong thái chính là triết lý kinh doanh…"
Thực vậy, triết lý kinh doanh đã gắn kết toàn thể các thành viên của tổ chức thành một khối thống nhất, một lực tổng hợp cùng hành động vì mục tiêu lý tưởng của tổ chức. Akio Morit – nhà sáng lập tập đoàn Sony giải thích ý tưởng này như sau: “Do coi trọng triết lý kinh doanh, các công ty của Nhật thường phát triển chậm hơn so với các công ty của Mỹ trong giai đoạn đầu. Nhưng khi triết lý sống của công ty đã thâm nhập vào toàn thể nhân viên, lúc đó công ty có một sức mạnh lớn và mềm dẻo hơn trong kinh doanh…”.
Trong thực tế, những doanh nghiệp có triết lý kinh doanh sắc sảo, luôn thích nghi với môi trường hoạt động đều trở thành những công ty hàng đầu thế giới. Họ có khả năng phát triển liên tục nguồn nhân lực, thu hút được nhiều lao động giỏi, tạo ra nhiều cá nhân xuất sắc nên luôn là nơi sáng tạo ra cái mới để phục vụ nhu cầu con người khắp nơi trên thế giới.
d) Triết lý kinh doanh là hệ thống giá trị chuẩn để
hướng dẫn và đánh giá hành vi của mọi thành viên trong tổ chức.
Khi hình thành triết lý kinh doanh, các nhà quản trị
còn xem nội dung này là những chuẩn mực mà các thành viên của tổ chức cần thuộc
lòng, là tiêu chuẩn hướng dẫn mọi hành vi. Chính vì vậy, khi chính thức đưa ra
triết lý kinh doanh, Matsushita đã yêu cầu các thành viên hát bài “Chính ca” và
đọc “Bộ luật Đạo lý” mỗi buổi sáng. Điều này thực sự tác động đến trí tuệ và
trái tim của nhân viên, họ tự giác trong các hoạt động và nỗ lực vươn lên không
ngừng, phát triển môi trường văn hóa tổ chức bền vững.
Trên góc độ quản lý, các nhà quản trị xem triết lý kinh doanh là định hướng, là tiêu chuẩn pháp lý trong nội bộ để ra quyết định
trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn, khi công ty Sony mới ra đời, Ibuka –
người đồng sáng lập ra Sony đã chế tạo thành công chiếc radio thu sóng ngắn.
Sản phẩm bán rất chạy, nhiều người đề nghị ông mở rộng sản xuất mặt hàng này,
nhưng ông kiên quyết từ chối vì triết lý của công ty Sony là “người tìm ra cái
mới chưa từng có thông qua tiến bộ kỹ thuật, Sony muốn phục vụ toàn thế giới…”.
Quyết định của Ibuka chính là tuân thủ triết lý kinh doanh của công ty. Hoặc
trong triết lý kinh doanh của Honda Motor có viết “Honda muốn trở thành bó đuốc
soi đường, duy trì bản lĩnh độc lập và đi đầu về công nghệ và kinh doanh. Honda
không bao giờ chấp nhận sự phụ thuộc kỹ thuật của người khác và không chấp nhận
sản xuất dưới hình thức liên doanh với người khác. Honda kiên định sản xuất ngay
tại thị trường nơi Honda đang phục vụ. Người nào mua sản phẩm của Honda phải có
cơ hội làm nên sản phẩm của Honda…”. Triết lý này được sử dụng để hướng dẫn các
quyết định của hãng Honda, việc Honda có những chi nhánh sản xuất ở Thái Lan,
Indonesia, Việt Nam… đã chứng minh việc thực thi triết lý của Honda.
Ngoài ra, do triết lý kinh doanh chứa đựng những
chuẩn mực đạo lý và nguyên tắc hành động nên văn bản này còn được xem là cơ sở
để biểu dương hành vi tốt, ngăn chặn hành vi xấu của các thành viên trong tổ
chức. Nhiều doanh nghiệp xem triết lý kinh doanh là cơ sở để bảo vệ nhân viên,
hạn chế những thương tổn hay những thiệt thòi mà những người quản lý lạm dụng
chức quyền có thể gây ra (do đố kỵ, thành kiến cá nhân, ác ý…). Chẳng hạn ở
công ty IBM, người ta phạt rất nặng những người không thực hiện hay làm ngược
lại triết lý của tổ chức, Nhân viên của công ty được tha thứ, khoan dung khi
làm mất hàng triệu USD vì một cuộc nghiên cứu thất bại; nhưng nếu họ đối xử xấu
với một người khác, coi thường khách hàng… trái với tôn chỉ trong triết lý thì
sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí có thể bị đuổi việc. Như vậy, trong tình huống
này, triết lý kinh doanh là cơ sở để đánh giá nhân viên.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
bài viết rất hay. Thanks so much.
Trả lờiXóa