Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016
Văn hóa doanh nghiệp sức mạnh ngầm giữ chân người lao động
Nhiều
người cho rằng, tiền lương, chế độ đãi ngộ là nguyên nhân khiến nhiều người 'ra
đi', song theo Tiến sĩ (TS) Phan Quốc Việt, giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ
năng con người Tâm Việt, TIỀN chưa phải là tất cả, mà còn những yếu tố phi vật
chất khác. Ông đang muốn nói đến vấn đề văn hoá doanh nghiệp, sức mạnh ngầm để
doanh nghiệp giữ chân người lao động.
Cuộc trò
chuyện giữa phóng viên VnMedia với TS Phan Quốc Việt xoay quanh vấn đề nóng này
được thực hiện bên lề cuộc hội thảo "Xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở nước
ta hiện nay" diễn ra hôm 8/8 tại Hà Nội.
PV
VnMedia: Thưa TS Phan Quốc Việt, trong các doanh nghiệp hay rộng ra là một tập
thể với đội ngũ nhân viên trẻ, thường hay xảy ra chuyện xung đột giữa những
"cái tôi cá nhân". Với tư cách là một nhà quản lý, kinh nghiệm của
ông trong giải quyết vấn đề này như thế nào?
TS Phan
Quốc Việt: Vấn đề mà nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường hay gặp phải đó là
người ta quên đi chức năng giáo dục, đa số chỉ tập trung vào mục tiêu tăng
trưởng kinh tế, lợi nhuận, nhưng nguồn gốc của lợi nhuận là nguồn vốn con
người, nguồn lực quan trọng nhất. Ngay trong trường đào tạo kỹ năng kinh doanh,
người ta cũng ít giáo dục về đạo đức kinh doanh, mà chú trọng vào biện pháp
kinh doanh.
Thay vì đó nên chú trọng đào tạo con người, đặc biệt những nhân viên mới, có
khi phải hàng tháng trời mới nên giao công việc chuyên môn cho họ. Còn vấn đề
giải quyết những xung đột cá nhân như bạn nói thì cách tốt nhất là làm thế nào
để quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể trùng nhau càng nhiều càng tốt, lúc
đó người nhân viên mới trung thành với đơn vị.
Làm thế
nào để mệnh lệnh sản xuất của người lãnh đạo vẫn được đảm bảo nhưng tính sáng
tạo của cấp dưới không bị mất đi?
Bây giờ
không nên dùng mệnh lệnh nữa, mà nên chuyển mệnh lệnh, sự tuân thủ sang cái gọi
là chủ động, sáng tạo, mạo hiểm, tự định hướng. Người lãnh đạo nên khuyến khích
nhân viên đưa ra giải pháp, nếu họ chưa quen, người lãnh đạo nên gợi ý, đặt câu
hỏi để họ sáng tạo. Nhân viên của tôi có lần hỏi, "sếp ơi, bây giờ quyết
thế nào", tôi trả lời anh nhân viên đó rằng: "anh hỏi tôi, tôi biết
hỏi ai bây giờ". Tôi rất thích một câu nói của người Do Thái, "giữa
hai giải pháp tôi chọn giải pháp thứ ba", bắt buộc họ sẽ đưa ra hai giải
pháp rồi tôi với họ cùng bàn để đưa ra giải pháp thứ ba, người lãnh đạo nên gợi
ý để nhân viên đưa ra giải pháp thay vì ra lệnh, tất nhiên trừ một vài trường
hợp khẩn cấp... Nền kinh tế tri thức càng đòi hỏi mỗi người phải chủ động, sáng
tạo, và hợp tác.
Rõ ràng
là người lãnh đạo phải giải quyết được những nhu cầu vật chất (tiền lương, chế
độ đãi ngộ) cho nhân viên rồi mới nói đến chuyện những giá trị tinh thần khác.
Song thực tế, nhiều doanh nghiệp ở ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề "cơm
ăn, áo mặc", vậy thì liệu có quá sớm để bàn đến vấn đề văn hoá doanhnghiệp ở đây?
Hai mục
tiêu này không hề mâu thuẫn nhau, nó như là cái âm và cái dương ấy. Văn hoá doanh nghiệp là
các nền tảng - cái âm - mà ta không nhìn thấy được. Cũng giốn như chuyện xây
cái nhà, văn hoá doanh nghiệp như là cái móng, phải có cái móng vững chắc, mới xây được cái
nhà đẹp. Tiền và văn hoá hỗ trợ lẫn nhau, có tiền mới có văn hoá và có văn hoá
sẽ tạo ra nhiều tiền hơn. Nếu nóng vội sẽ dễ sụp đổ, muốn trường tồn, bền vững
phải xây dựng được cái nền văn hoá vững chắc từ bây giờ. Văn hoá doanh nghiệp
nằm ở cách anh kiếm tiền và cách sử dụng đồng tiền, chiến lược của công ty phải
hiểu rộng ra như thế. Lâu nay người ta chỉ mới dừng lại ở văn hoá ứng xử, chỉ
mới dừng lại ở các xưng hô, đồng phục, sự trang trí, đó chỉ mới là sự văn minh.
Những cái đó rất dễ thay đổi chỉ cần ta trang bị lại, trang trí lại trong một
hai ngày là xong, chỉ là cái vỏ bề ngoài. Sứ mệnh của nhà kinh doanh là làm gia
tăng giá trị xã hội, tiền chỉ là một hệ quả của sự gia tăng này, giống như là
sự trả công của xã hội cho những giá trị mà doanh nghiệp đã tạo ra. Người ta
đang nhầm lẫn giữa các mục tiêu kiếm tiền và gia tăng giá trị xã hội, rất nhiều
doanh nghiệp nhiều tiền nhưng vẫn thất bại, nhiều gia đình giàu có nhưng con
cái vẫn đi tù. Một doanh nghiệp, một gia đình chỉ thực sự giàu có khi có một
nền tảng văn hoá vững chắc.
Văn hoá
luôn gắn liền với bản sắc, vậy thì trong bối cảnh hội nhập hiện nay, doanh
nghiệp phải làm gì để không đánh mất bản sắc của mình?
Đã văn
hoá phải là bản sắc, càng hội nhập càng phải tô đậm bản sắc, nếu không sẽ bị
hoà tan, sẽ bị đánh mất bản sắc. Văn hoá gắn liền với văn minh thời đại, văn
hoá khu vực, văn hoá thể chế, quy định luật lệ ảnh hưởng đến văn hoá doanh nghiệp, chẳng hạn văn hoá ngành bưu điện sẽ khác với văn hoá nghành than. Mỗi
tổ chức lại xây dựng văn hoá dựa trên những con người cụ thể của mình. Doanh
nghiệp kinh doanh là kinh doanh cái riêng đó của mình bởi vì người ta chỉ tìm
đến anh khi anh có cái mà doanh nghiệp khác không có. Càng hội nhập bản sắc của
mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia càng phải tô đậm, và như vậy thế giới mới tồn
tại. Ngay như Đông Timo, Lào người ta vẫn tồn tại được là vì mỗi nước có một
giá trị văn hoá riêng. Văn hoá là cái còn lại khi mất tất cả, văn hoá có sức
mạnh vô cùng, nó bền vững hơn bất kỳ một thứ vật chất nào khác.
Văn hoá doanh nghiệp là một chuẩn mực văn hoá mà một doanh nghiệp tạo ra, nhưng chuẩn
mực này nhiều khi hơi thái quá, chẳng hạn trường hợp văn hoá FPT, ông nghĩ sao
về hiện tượng này?
Đừng có trách người ta, nếu chỉ nhìn vào sự cá thể. Thái quá còn hơn không xây
dựng, vì nhiều người sợ thái quá mà không xây dựng, đó là một sai lầm. Tất
nhiên chúng ta nên hạn chế sự thái quá. Văn hoá để tồn tại lâu bền phải đi vào
cuộc sống, không được quá cao siêu, xa rời cuộc sống thì không còn là văn hoá
nữa. Nếu không có văn hoá thái quá một chút, chắc gì đã có FPT như bây giờ.
Chúng ta nên nhìn vào sự hăng say làm việc, sự hết mình cho doanh nghiệp của
từng cá nhân của FPT đằng sau sự thái quá đó. Đừng chỉ chăm chắm nhìn vào một
điểm đen trong tờ giấy trắng, hãy xem nó là sự tô điểm cho tờ giấy trắng...
Tôi đã từng nghe nhiều bạn trẻ là nhân viên của Tâm Việt nói về công ty mình
với một niềm tự hào, thậm chí khâm phục. Tâm Việt đã làm được điều đó có phải
nhờ xây dựng thành công yếu tố văn hoá doanh nghiệp?
Chúng tôi đã mất rất nhiều công sức để xây dựng văn hoá Tâm Việt. Lúc đầu chúng
tôi bị nhiều người phản đối, cho rằng việc ngày nào cũng mất một tiếng đồng hồ
đầu giờ sáng để trao đổi cùng nhau là mất thời gian. Song đó là sự cần thiết,
đó là quãng thời gian chúng tôi nói về cốt lõi văn hoá, nhân cách, sứ mệnh của
trung tâm, chúng tôi nói vui với nhau rằng đó là thời gian để nhân viên Tâm
Việt "thiền". Văn hoá Tâm Việt là gia đình có tổ chức, tính kỷ luật
cao, yêu thương nhau đằm thắm và rất hiếu khách, đảm bảo được các nhu cầu của
nhân viên, khi họ cảm thấy các nhu cầu về vật chất, tinh thần của họ nằm trọn
trong mục tiêu của doanh nghiệp rồi, họ sẽ toàn tâm toàn ý cho doanh nghiệp.
Liệu văn
hoá có phải là yếu tố để doanh nghiệp giữ chân nhân viên?
Một cá
nhân có rất nhiều nhu cầu, bao gồm nhu cầu về tiền bạc, tinh thần, vị trí trong
xã hội. Vì vậy, một doanh nghiệp để níu chân được người lao động của mình phải
đáp ứng được càng nhiều các nhu cầu đó càng tốt. Thêm đó, thương hiệu công ty
cũng là một điều quan trọng, bạn là một nhà báo đến từ VNPT, một doanh nghiệp
có uy tín, chắc chắn bạn rất tự hào về tờ báo, về cơ quan chủ quản của mình.
Nhưng ngược lại, giả sử công ty của bạn là một đơn vị thường xuyên làm ăn thua
lỗ, trốn thuế, liệu đi ra ngoài bạn có đủ can đảm để gọi tên nó ra không?! Chắc
chắn là không. Các sai lầm lớn nhất của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay là
mới chỉ xem tiền lương là yếu tố để cạnh tranh. Nhưng doanh nghiệp của anh có
tiền, thì doanh nghiệp khác cũng có tiền. Vậy nên chỉ cần trả cao hơn vài ba
trăm nghìn là nhân viên của anh đã cân nhắc chuyện đi hay ở.
Trái
lại, nếu người lãnh đạo biết chăm lo đến đời sống tinh thần và tình cảm của
nhân viên, người nhân viên đó sẽ nể, sẽ phục anh, nên chuyện đi hay ở không còn
nằm lại ở vấn đề một - hai trăm nghìn nữa. Vấn đề nữa là nhiều cán bộ công
nhiên viên ra đi vì họ không tìm thấy sự an tâm ở công ty, bởi vì đơn giản họ
không biết cũng như không thấu hiểu được tầm nhìn, chiến lược của công ty, họ
không biết được họ là mắt xích nào trong cái dây chuyền công ty đó. Con người
sợ nhất là sự tù mù, sự không biết chắc về tương lai, đó hoàn toàn là vấn đề
tâm lý.
Văn hoá
con người và văn hoá tổ chức gần với nhau sẽ tạo nên sự bền vững. Tức là doanh
nghiệp, người lãnh đạo doanh nghiệp phải thấu hiểu hết những nhu cầu của từng
cá nhân, nó như một sức mạnh vô hình nếu chân để các doanh nghiêp níu chân các
nhân viên.
Để một
doanh nghiệp có văn hoá, thì mỗi nhân viên phải là một cá thể có văn hoá, vậy
thì ngoài môi trường công ty, có trường lớp nào đào tạo phông văn hoá này cho
các nhân viên trẻ không thưa ông?
Nhiều
nơi có thể dạy điều đó, chẳng hạn Tâm Việt vẫn có những lớp dạy như vậy, dạy
cho các bạn trẻ có niềm đam mê, có hoài bão, hoặc cao hơn thậm chí còn định
hình chiến lược cho các doanh nghiệp...
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp cho một toà báo nên bắt đầu từ đâu, khi mà ở đó
có quá nhiều cá nhân sáng tạo?
Nghề báo
là nghề mà luôn cần sự tranh luận để tìm ra cái chung, văn hoá giống như ba cái
cây chụm lại, lúc đó cả ba cái cây đều phải nghiêng, có nghĩa là sự thích nghi,
chứ nếu ba cái cây đều đòi đứng thẳng, thì lúc đó chúng sẽ đổ. Nghề báo cần
chính kiến của cá nhân nhưng cũng cần tư duy của số đông, nên nhiều khi các cá
nhân cá nhân (kể cả người lãnh đạo) phải thay đổi tư duy, hạ thấp cái tôi cá
nhân để đi đến cái chung nhất. Lâu nay ta hay sai lầm khi nói đến bản sắc văn
hoá tức là bảo vệ đến cùng cái tôi của mình. Văn hoá bên cạnh bảo vệ cái tôi,
còn là sự hội nhập cái tôi vào cái chung.
Hiện nay
đa số doanh nghiệp hay hẹp hơn là một gia đình không dành nhiều thời gian để
các thành viên trao đổi tìm ra điểm chung nên có nhiều nguy cơ rạn nứt, đổ
vỡ...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét