Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017
Vững tay chèo
VỮNG TAY CHÈO
Đối với
startup, có thể nói năm đầu tiên là thời gian khó khăn nhất, cũng là thời gian
mà người khởi nghiệp dễ bị lung lay nhất. Vì phải đối phó với bao nhiêu trở
ngại dường như đến từ mọi phía. Đã vậy kết quả kinh doanh lại có thể không tốt
đẹp như mình nghĩ. Cộng thêm thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu nhân viên,
thiếu người đồng hành, thiếu đối tác. Đụng đến đâu cũng thấy thiếu, nhưng lại
thừa những lời góp ý, phê bình, thậm chí chỉ trích của những người xung quanh,
những người biết quá rõ bạn là ai mà sao dám cả gan lao vào một con đường đầy
chông gai như vậy.
Tất cả
những cái thiếu và thừa đó góp phần làm cho người mới bước vào nghề kinh doanh
dễ bị dao động, để rồi bắt đầu tự hỏi một loạt những câu hỏi mà mình đã biết rõ
câu trả lời ngay từ đầu. Rồi tự nhiên thấy các đối thủ cạnh tranh có nhiều cái
hay hơn mình. Và thấy mình kém may mắn hơn người ta ở nhiều khía cạnh. Để cuối
cùng tự hỏi là không biết con đường mà mình đã chọn có đúng hay không.
Cuộc đời
thường nghiệt ngã ở chỗ là càng suy nghĩ là mình kém may mắn thì trước sau gì
mình sẽ kém may mắn thiệt. Càng suy nghĩ không biết mình làm có đúng hay không
thì mình càng bắt đầu làm những cái không đúng thiệt, càng ngày càng đi xa dần
với những toan tính ban đầu. Sự mất tự tin và mất phương hướng này sẽ giết chết
nhà khởi nghiệp nhanh hơn bất cứ thứ gì khác.
Nhớ lúc bắt
đầu xây dựng chuỗi tiệm phở, đi đâu cũng nghe nói về khẩu vị món phở phải như
thế nào mới đúng. Cũng tự nhiên thôi, vì đây là món ăn thuần tuý của Việt Nam,
ai cũng ăn từ nhỏ và ai cũng nghĩ là mình nấu món này ngon nhất. Ngay cả anh
tài xế lái taxi ở Hà Nội có lần tình cờ bắt chuyện cũng tự hào nói là mình nấu
món này số một, các tiệm phở nổi tiếng ở Hà Nội cũng không ngon bằng. Nói chung
đi đến đâu gặp người quen hay người lạ, người Bắc hay người Nam gì cũng đều góp
ý là món phở phải nên nấu như thế nào mới chuẩn. Cũng may mà những người chủ
của công ty lúc đó đã không cuống cuồng mà chạy theo ý của trăm họ, đánh mất
chính mình.
Sự kiên
định ở đây dĩ nhiên cần được đặt trên một nền tảng vững chắc, nghĩa là người
khởi nghiệp đã phải làm bài tập nhà thật cẩn thận trước khi quyết định ra quân,
bao gồm việc chuẩn đủ kiến thức và kinh nghiệm, đã xác định rõ ràng thị trường
mình nhắm đến, và đã có trong tay một sản phẩm xuất sắc, một kế hoạch kinh
doanh tương đối hoàn chỉnh.
Kiên định
khác xa với “cứng đầu”, khăng khăng không biết lắng nghe, không biết uyển
chuyển, linh động gì cả. Kiên định là đi đường thẳng mà gặp chướng ngại vật thì
phải tìm cách đi đường vòng, đi đường khác cho bằng được chứ không chịu mắc kẹt
lại tại chỗ. Kiên định là cái xương sống rắn chắc giúp người khởi nghiệp đứng
thẳng trong cơn bão táp. Kiên định giúp cho mình đứng dậy nhanh chóng sau mỗi
lần bị ngã xuống. Những doanh nhân thành công là những người biết kiên nhẫn chịu
đựng và sở hữu một niềm tin mãnh liệt là họ sẽ thành công.
Sự kiên
định còn đóng một vai trò quyết định trong vấn đề huy động vốn đầu tư. Không ai
bỏ tiền ra để đầu tư vào một dự án khởi nghiệp mà không săm soi xem chủ nhân
của nó có sở hữu tính cách này hay không. Người ta muốn thấy nhà sáng lập hay
nhà khởi nghiệp tin tưởng tuyệt đối vào con đường mình đi để kiên trì đeo bám
nó, ít nhất là trong một thời gian đủ dài để thấy hình hài của sự thành công.
Người ta cũng muốn thấy nhà sáng lập không chỉ là người đã nghĩ ra một ý tưởng
kinh doanh tuyệt vời mà còn là một nhà lãnh đạo, một thuyền trưởng thực thụ,
người sẽ dìu dắt con tàu doanh nghiệp vượt qua mọi sóng gió không tránh khỏi.
Người ta muốn thấy nhà sáng lập đã sẵn sàng chiến đấu trường kỳ kháng chiến, và
cách thuyết phục tốt nhất là mình phải sẵn sàng thật sự.
Một điều
quan trọng nữa đối với một dự án startup là cần phải cho các nhà đầu tư một cảm
giác là cho dù không có tiền của họ thì mình vẫn tiếp tục vững tay chèo tiến
lên phía trước, để giá trị của công ty mỗi ngày mỗi gia tăng, chứ không phải
thụt lùi. Không có chuyện nếu thiếu tiền thì mọi thứ sẽ đình trệ. Có nghĩa là
nếu họ không tham gia hôm nay thì sẽ phải hối tiếc trong tương lai không xa.
Cho nên lý
do khá phổ biến của các nhà đầu tư khi quyết định tham gia vào các dự án khởi
nghiệp không chỉ là sự kỳ vọng vào mức lợi nhuận đem lại có nhiều hay không, mà
còn là nỗi sợ bị vuột mất một cơ hội đầu tư béo bở. Các bạn trẻ khởi nghiệp cần
nắm chắc điểm mấu chốt này khi làm việc với các nhà đầu tư, đừng tự đặt mình vô
thế “kèo dưới”. Có hay không có họ, thì mình vẫn sẽ bám trụ và đi đến đích cho
bằng được. Sự có mặt của họ chỉ giúp cho sự thành công của mình đến nhanh hơn
mà thôi. Và đó là phải sự thật chứ không phải là một màn kịch được dựng lên để
thu hút vốn đầu tư. Vì như đã nói, sự kiên định là yếu tố quyết định thành bại
của một startup.
Cũng may là
sự kiên định không phải là một tố chất hay một trí thông minh bẩm sinh, mà là
một thái độ, một tính cách, một kỹ năng có thể học và rèn luyện được.
Lý Quí Trung
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét