Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017
Thành công nhờ... nghĩ khác!
Cậu sinh viên thực tập lúng túng thao tác chiếc máy in offset sai quy
trình khi có đoàn tham quan hơn 20 người ghé thăm nhà máy. Kết quả không được
như ý. Trong khi cậu ta đang bối rối thì một vị khách lên tiếng: “Chắc khách
đông quá nên cháu nó sợ”. Đáp lại là một giọng nói ấm áp: “Sợ không con? Đừng
sợ nha con...”.
Người động viên cậu sinh
viên trẻ là ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc
Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Lan đóng ở khu công nghiệp Long Đức, thành phố Trà
Vinh - công ty được nhiều người gọi vui là Google của Trà Vinh.
Mười một năm trước, vào
năm 2004, khi ông Mỹ từ Canada về Trà Vinh đầu tư xây dựng nhà máy, nhiều bạn
bè của ông nói Trà Vinh là một “tỉnh cùng” của miền Tây, giao thông cách trở,
lực lượng lao động có tay nghề khan hiếm..., về đó làm gì có đường làm ăn, thậm
chí có người còn gọi vui ông là “Việt kiều té giếng”. Tuy vậy, ông Mỹ vẫn quyết
tâm thực hiện giấc mơ mà ông đã ấp ủ từ thời còn là một người làm bếp ở Canada,
đó là dựng nhà máy và xây trường học trên quê hương của mình.
Chỉ cần đổi góc nhìn
Loại trừ “yếu tố quê
hương”, tại sao ông lại chọn Trà Vinh? Trả lời câu hỏi này, ông Mỹ đưa ra lý
giải thú vị bất ngờ.
Theo ông, về vị trí địa
lý, Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có 65 ki lô mét bờ biển, quanh năm
không chịu bão lũ. Về giao thông, ông nói: “Nếu chỉ nhìn giao thông đường bộ
thì đúng là cách trở. Nhưng chỉ cần ra biển Ba Động là đã thấy Singapore,
Alaska, Vancouver... Đó là cả một thế giới rộng mở”.
Về con người, theo ông,
ở đâu cũng khan hiếm nhân tài, TPHCM hay Hà Nội cũng vậy. Muốn có nhân tài,
doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư. Ông Mỹ chia sẻ câu chuyện vào năm 2007, tức
hai năm sau khi ông thành lập Công ty Hóa chất Mỹ Lan, ông đã phối hợp với
trường Đại học Trà Vinh thành lập khoa Hóa học ứng dụng nhằm đào tạo nguồn nhân
lực phục vụ các doanh nghiệp tại địa phương. Ngay từ năm học đầu tiên, hàng
năm, các sinh viên của khoa đều có bốn tháng thực tập tại Công ty Mỹ Lan với
mức lương 2 triệu đồng/tháng. Qua thực tập, sinh viên biết cách làm việc nhóm,
học cách làm việc với các kỹ sư, hiểu được tính kỷ luật trong làm việc ở môi
trường công nghệ cao...
Quan trọng nhất là khi
một số người cho rằng Trà Vinh còn nghèo thì ông Mỹ có cái nhìn rất khác. Ông
thấy Trà Vinh là một vùng đất trù phú, giàu có, chỉ là chưa được khai thác. Và
do chưa có ai khai thác thì đó chính là cơ hội.
Vạn sự khởi đầu nan
Đến thăm Công ty Mỹ Lan
vào một ngày đầu tháng 9-2015, cảm nhận đầu tiên của đoàn tham quan là một màu
xanh dễ chịu. Nói không quá, nơi đây giống công viên hơn là một nhà máy ở khu
công nghiệp. Với tổng diện tích 20 héc ta, phần dành cho cây xanh đã chiếm đến
10 héc ta.
Nhớ lại những ngày đầu
khi mới thành lập công ty, ông Mỹ kể cán bộ địa phương cứ thắc mắc tại sao ông
được giao đất để làm nhà máy mà lại đi trồng nhiều cây thế! Ông phải mất 3-4
năm để tạo được niềm tin nơi lãnh đạo địa phương, bởi thời đó, Việt kiều vẫn là
một “cái tên” không phải lúc nào cũng tích cực.
Đó là chuyện với chính
quyền địa phương. Còn với người dân, hóa chất là thứ gì đó rất nguy hiểm! Ông
Mỹ kể ông đã phải nỗ lực rất nhiều để người dân hiểu hóa chất không phải là
chất độc; hóa chất cũng rất gần gũi trong cuộc sống, từ dầu gội, kem đánh răng
cho tới đôi dép nhựa...
Để thuận lợi hơn trong
kinh doanh, ông đã quyết định đổi tên Công ty Hóa chất Mỹ Lan thành Công ty cổ
phần Mỹ Lan, chuyên nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng hóa chất tinh khiết dùng
trong lĩnh vực quang điện tử, in kỹ thuật số; nghiên cứu và sản xuất máy in
phun công nghiệp công nghệ cao như LotoJet, VJet 1000 series, VJet 2000 series
...
Mở rộng hoạt động
Sau khi Công ty Mỹ Lan
đi vào hoạt động ổn định, ông Mỹ quyết định thành lập thêm hai công ty là Công
ty Sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan (nghiên cứu, phát triển, sản xuất bản kẽm in
offset và vật tư ngành in) và Công ty cổ phần MyLan Quang Điện tử (nghiên cứu,
phát triển, sản xuất và cung cấp dịch vụ cho các vật liệu màng mỏng polymer đa
năng dùng trong công nghệ quang học, điện tử, in kỹ thuật số, đóng gói bao bì
thực phẩm, dược phẩm).
Nếu Công ty MyLan Quang
Điện tử còn khó khăn trong việc tìm thị trường thì Công ty Sản xuất vật tư
ngành in Mỹ Lan được xem là con gà đẻ trứng vàng của tập đoàn. Tổng doanh thu
năm 2014 của tập đoàn vào khoảng 500 tỉ đồng, trong đó, 80% đến từ thị trường
nước ngoài. Riêng thị trường bản in offset trong nước, Mỹ Lan chiếm 60%.
Nhìn nhận về thị trường
in thế giới, ông Mỹ cho biết doanh thu của toàn thị trường hiện vào khoảng 900
tỉ đô la Mỹ, trong đó 50% đến từ lĩnh vực truyền thông và 50% đến từ ngành in
đóng gói bao bì. Dự đoán đến năm 2020, độ lớn của thị trường lên đến 1.000 tỉ
đô la Mỹ với 60% đến từ ngành in bao bì và 40% từ lĩnh vực truyền thông.
Mặc dù việc kinh doanh ở
thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh về giá từ các nhà
cung cấp Trung Quốc, nhưng với những lợi thế công nghệ in offset thế hệ mới,
ông Mỹ tự tin Mỹ Lan sẽ thành công trong các thị trường cao cấp, đặc biệt là
những khách hàng lớn tại Bắc Mỹ.
Ngoài ba công ty trên,
ông Mỹ còn tiết lộ việc đã đầu tư 15 triệu đô la Mỹ vào dự án Internet of
things tại cù lao Long Trị với 40 kỹ sư làm việc, nhằm đón đầu những xu hướng
công nghệ mới.
Nhờ con người và vì con
người
Ông Mỹ cho rằng sự thành
công của Mỹ Lan là từ sự đóng góp rất nhiều của đội ngũ nhân viên có độ tuổi
trung bình chưa đến 27. Ông có nhận xét rất tích cực về lớp người trẻ: “Học
sinh sinh viên của chúng ta rất sáng dạ, nhưng thiếu sáng tạo, một phần vì
thiếu kỷ luật nhưng một phần là do giáo dục của chúng ta không cho phép họ nghĩ
khác. Ở trường, nghĩ khác thì không được rồi, còn khi ra đời đi làm, nghĩ khác
cũng đâu có dễ! Việc của tôi rất đơn giản. Tôi cho họ được quyền nghĩ khác. Có
nghĩ khác thì mới làm khác. Có làm khác thì mới nói đến sáng tạo, đến cạnh
tranh”.
Chỉ tay vào cái máy rửa
bản kẽm với giá công ty bán ra đại lý là 6.000 đô la Mỹ, trong khi chi phí sản
xuất là 3.900 đô la Mỹ, ông nói: “Cái này toàn là do những nhân viên trẻ của
công ty làm ra”.
Anh Đoàn Minh Khôi, một
nhân viên trẻ của công ty - người quản lý dự án chế tạo chiếc máy nêu trên, cho
biết tất cả nhân viên trong công ty đều gọi ông Mỹ bằng “chú” rất thân mật. Anh
chia sẻ: “Chú chỉ đưa ra yêu cầu, chúng tôi tự lên thiết kế và trình chú duyệt.
Mọi giải pháp, dù hay dù dở, đều được khuyến khích. Làm việc với chú, tôi học
được rất nhiều điều, không chỉ gói gọn trong kiến thức chuyên môn”.
Nếu mọi thành công của
công ty nhờ vào con người thì công ty cũng có nhiều chính sách vì con người:
một không gian sống đầy màu xanh, một môi trường làm việc thân thiện, những bữa
cơm (sáng, trưa, chiều) tươm tất, những người làm việc trên năm năm, tùy từng
vị trí, sẽ được công ty cấp cho những loại căn hộ khác nhau.
Ông Mỹ tâm sự: “Người
Việt mình giỏi lắm, vấn đề là có biết cách phát huy năng lực của họ hay không
mà thôi”.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ sinh
ra và lớn lên ở làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành - Trà Vinh. Ông từng học tại
Đại học Kỹ Thuật Phú Thọ (nay là Đại học Bách Khoa TPHCM), sau đó ông sang
Canada vào năm 1979.
Năm 1990, ông lấy bằng
tiến sĩ với đề tài về “hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang” tại Trung tâm
Nghiên cứu khoa học năng lượng và Vật liệu INRS - Energie et Materiaux,
Varennes, Quebec. Ông từng làm việc tại các công ty IBM, Sun Chemical và Kodak
Polychrome Graphics.
Năm 1997, ông thành lập
Công ty American Dye Source, Inc (ADS), chuyên nghiên cứu hóa chất, vật liệu
ngành in và kỹ thuật quang điện tử tại Canada.
Năm 2004 ông về Trà Vinh khởi nghiệp. Công ty Hóa chất Mỹ Lan ra
đời vào năm 2005 và phát triển mở rộng đến hôm nay thành Công ty cổ phần tập
đoàn Mỹ Lan gồm ba công ty: Công ty cổ phần Mỹ Lan, Công ty Sản xuất vật tư
ngành in Mỹ Lan và Công ty cổ phần MyLan Quang Điện tử.
Đức Tâm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét