Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017
Sức mạnh của sự tĩnh tâm
TĨNH TÂM NHÌN NHẬN CUỘC ĐỜI
Biết tĩnh
tâm để nhìn nhận cuộc đời là một loại cảnh giới.
Trái tim
của chúng ta giống như một chiếc cốc thủy tinh. Khi cốc đựng đầy nước ép trái
cây, người ta sẽ nói: “Đây là một cốc nước ép hoa quả”. Khi nó đựng đầy sữa,
người ta lại nói: “Đây là một cốc sữa”. Còn chỉ khi chiếc cốc trống trơn thì
người ta mới nói: “Đây là một cái cốc”. Rất nhiều lúc, trái tim của chúng ta
chất chứa quá nhiều thứ, đến nỗi không thể nhìn thấy được cái tôi chân thực.
Trong thời buổi cả thế giới phải lo lắng bất an vì tiền bạc, vì ham muốn vật
chất, vì danh lợi như ngày nay, con người chẳng khác nào “đôi giày đỏ” mệt mỏi,
nhảy tới khi chẳng còn ai bên cạnh mà vẫn không dừng được bước chân điên cuồng…
Chúng ta sống đã không còn chỉ là vì sự sinh tồn. Trong sự hưởng thụ vật chất
ngày càng phong phú, nếu tâm không tĩnh, thân thể cũng không tĩnh thì cuộc sống
của chúng ta sẽ chỉ còn lại sự bận rộn và lo lắng. Vì vậy, chỉ có vứt bỏ mọi sự
rối ren để tâm tĩnh lại thì mới có thể được giống như hoa nở hương tự tỏa, nước
càng chảy càng trong vậy.
Tĩnh tâm
chính là tâm tĩnh. Tâm tĩnh là một trạng thái khoáng đạt, tự tin, điềm nhiên tự
do, tự tại. Tất cả thế sự rối ren, mọi chua cay ngọt đắng, hỉ nộ ái ố đều chỉ
dựa vào trái tim để cảm nhận, đánh giá. Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta
thường cảm thấy thấp thỏm bất an, lo lắng không yên, rất khó để bình tâm, ngọn
lửa không tên bất cứ khi nào cũng có thể ập đến, nguyên nhân chính là do ta
không có được một trái tim bình tĩnh. Chỉ có hiểu được trí tuệ của tĩnh tâm thì
mới có thể đứng vững được trong thế giới vô thường này.
Thực ra,
tĩnh tâm không phải là một cảnh giới không thể nào với tới. Trong thế giới tràn
đầy náo động và dục vọng như ngày nay, ai cũng khao khát có được một cuộc sống
yên ổn, bình an, vì vậy hiểu được về tĩnh tâm là vô cùng quan trọng. Để giúp
mọi người tìm thấy sự yên ổn trong tâm hồn, cuốn sách này sẽ cùng bạn tìm đến
căn nguyên lo lắng từ mọi góc độ, vén bức màn bí mật về sự tĩnh tâm, sau đó để
mỗi người tự cảm nhận cuộc sống qua cái tĩnh, giúp xoa dịu tâm trạng lo lắng
bất an trong lòng, lấy lại sự yên bình và niềm vui trong tim.
Chúng ta đã
biết nên tĩnh tâm hưởng thụ cuộc sống, tuy nhiên làm thế nào để có thể tĩnh
tâm? Trong hai chương cuối cùng của cuốn sách này, bạn sẽ học được cách dùng
phương pháp suy tưởng để vượt qua những trở ngại trong lòng, để lo lắng không
còn chỗ tồn tại; bạn sẽ hiểu được rằng, tĩnh tâm hoàn toàn không phải là trạng
thái siêu thực, từng chút từng chút của cuộc sống đều có thể trở thành phương
pháp để có được sự tĩnh tâm. Hãy để cuốn sách này dẫn dắt bạn, để sự “tĩnh”
thẩm thấu dần vào từng chi tiết của cuộc sống, bớt một chút đố kị, thêm một
chút khoan dung; bớt một chút tà niệm, thêm một chút chính khí; bớt một chút ồn
ào, thêm một chút chân thực.
“Gặp được
cái tôi tĩnh tâm”, dù biết phía trước là vùng hiểm trở, bạn cũng có thể coi là
đồng bằng để vững bước đi qua; dù trước mắt thế sự bãi bể nương dâu, đổi thay
nhanh chóng, bạn cũng vẫn có được sự bình an trong lòng.
“Gặp được
cái tôi tĩnh tâm”, tuy tạm thời phải chịu ấm ức và không vui, vẫn có thể yên
lòng; tuy cuộc sống bình dị, cũng có thể tận hưởng năm tháng bình yên.
“Gặp được
cái tôi tĩnh tâm”, cho dù tạm thời phải chịu đau khổ, song bạn cũng sẽ nhận
được ý vị riêng của nó; cho dù cuộc đời trôi qua bình lặng song vẫn có thể tìm
thấy được sự vừa ý và nhẹ nhõm của riêng mình.
Nhà thơ Pushkin đã từng nói: “Tất cả hạnh phúc trên thế giới đều
lấy sự bình yên trong nội tâm là đặc trưng cơ bản nhất”. Tĩnh tâm là một phong
thái, cõi lòng phẳng lặng thì tâm sẽ tĩnh. Sức mạnh của mỗi người chúng ta đều
có hạn. Thế sự giống như một ván cờ, con người tiến lùi nối tiếp nhau trong mấy
tấc vuông ấy. Khi đối mặt với vô vàn sự khó xử và lo sợ, giữ được tâm thái yên
tĩnh như mặt nước là có thể nhìn thấu tất cả vinh nhục, được mất, thị phi,
trắng đen, dùng sự tỉnh táo và lí trí để nhìn nhận cuộc đời.
Xuân có
trăm hoa, thu trăng sáng
Hạ có gió
lành, đông tuyết rơi
Trong lòng
không bận chi phiền não
Đời này nên
lấy đó làm vui.
Tủi nhục
cũng đều gương soi tỏ
Chí lớn dạ
yên chẳng ngậm ngùi
Người đời
lĩnh ngộ chân lí ấy
Cõi lòng
tĩnh lặng, muộn sầu lui.
Bạn có mong
muốn thoát khỏi lo lắng và u buồn không? Có hi vọng xua đi những phiền muộn
trong tâm hồn không? Vậy thì bắt đầu từ thời khắc này, hãy để cuốn sách cùng
bạn tìm lại cái tôi tĩnh tâm ấy nhé!
TÂM CÓ TẠP
NIỆM
Bạn có còn
nhớ những câu chuyện cổ tích? Chúng ta nóng lòng theo dõi diễn biến tình tiết
câu chuyện với niềm tin rằng nhân vật chính nhất định sẽ tránh được sự tàn bạo
của phù thủy và yêu quái, chiến thắng tà ác. Chúng ta – khi ấy còn là những cô
bé cậu bé – chưa bao giờ nghi ngờ gì về kết cục hoàn mĩ dành cho nhân vật
chính, luôn có niềm tin mãnh liệt rằng chính nghĩa sẽ tồn tại mãi mãi, những
người lương thiện cuối cùng nhất định sẽ được sống cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
Thời gian
thấm thoắt thoi đưa, khi chúng ta dần dần lớn lên, dần dần làm quen với tất cả
mọi thứ của thế giới hiện thực này, các câu chuyện cổ tích thuở bé thơ ngày
càng trở nên xa vời. Nhân vật cổ tích chỉ còn tồn tại trong kí ức, rồi cuối
cùng chúng ta cũng sẽ vứt bỏ nốt chút ngây thơ còn lại của thời thơ trẻ, để trở
thành một người trưởng thành, chín chắn. Nhưng nếu có thể vứt bỏ những tạp niệm
trong lòng ở thế giới phức tạp rối ren, tìm lại tâm hồn thuần khiết, yên bình
ấy, vậy thì liệu chúng ta lại có thể quay trở về thời thơ ấu thỏa mãn và vui vẻ
trong hồi ức ấy được không?
Thế giới
nội tâm của con người ẩn chứa rất nhiều thứ, có đẹp, có xấu, có thiện, có ác,
có tham lam, có danh lợi, còn có tiền bạc và địa vị… Những thứ này không nhìn
thấy, không sờ thấy, nhưng chúng lại tiềm ẩn trong tâm hồn của bạn, chi phối
hành động của bạn. Nếu chúng ta gọi những thứ tốt đẹp, ánh sáng, lương thiện
trong thế giới nội tâm là “mầm”, thì những tạp niệm làm đảo lộn cảm xúc của
chúng ta, thậm chí “xúi giục” chúng ta trở nên xấu xa, tham lam ấy sẽ giống như
“cỏ”. Chân – thiện – mĩ có thể kết thành quả ngọt làm xúc động lòng người;
nhưng còn “cỏ dại” trong lòng, nếu cứ để mặc cho chúng phát triển thì nhất định
sẽ đến một ngày chúng uy hiếp tới sự trưởng thành khỏe mạnh của “mầm”.
Ví dụ như
sự tham lam và đố kị là tạp niệm.
Sự uy hiếp
của tâm trạng đố kị đối với sự vật tốt đẹp chẳng khác nào quả bom không hẹn
giờ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào, tiềm ẩn trong lòng con người. Trên con
đường theo đuổi một mục tiêu nào đó, một khi con người phát hiện ra sự tồn tại
của người giỏi hơn hoặc nhanh chân vượt trước mình thì thường nảy sinh than
vãn, đau khổ, thậm chí là căm giận, bởi trong tâm cảm thấy tự hổ thẹn vì mình
kém cỏi hơn người khác. Càng tệ hơn là có một số người bóp méo tâm tính, châm
ngòi quả bom trong lòng, không từ thủ đoạn báo thù đối thủ. Tạp niệm của sự đố
kị làm ô nhiễm tâm hồn, không những không thể khiến bạn có được mục tiêu mà còn
dần dần xa mục tiêu, cuối cùng lún sâu vào tội ác khó có thể thoát ra được.
Tự dằn vặt
quá mức cũng là một tạp niệm của tâm hồn.
Charles đã
từng là một cảnh sát, trong một lần tham gia giải cứu con tin, anh đã bỏ sót
một căn phòng vốn dĩ nên lục soát, không ngờ trong căn phòng đó có một đứa trẻ,
cuối cùng đứa trẻ đó đã bị tên hung thủ vô cùng tàn bạo bắn chết. Từ đó Charles
suy sụp tinh thần, anh không thể nào tha thứ cho sai lầm của mình nên đã rơi
vào trạng thái tự dằn vặt bản thân, trở nên buồn bực ít nói. Không lâu sau đó,
anh từ bỏ công việc cảnh sát để tới một tu viện, hàng ngày đứng trước tượng
chúa để xám hối lỗi lầm của mình, từ đó hành động ấy đã trở thành toàn bộ cuộc
sống của anh.
Một lần
tình cờ, chị của đứa trẻ bị tên côn đồ năm xưa sát hại biết được tình cảnh của
Charles, đã nghĩ cách để tìm được anh. Cô đưa Charles tới giữa một đám người
đang vui vẻ tụ hội, nói với anh rằng những người này đều là con tin đã được anh
giải cứu năm ấy, nhờ có Charles, bây giờ họ được sống vui vẻ hạnh phúc và vô
cùng cảm kích Charles. Charles nhìn những đứa trẻ đã từng được mình giải cứu,
và đã hiểu được một điều: thì ra mình không phải là người vô dụng, và chính sự
tự dằn vặt bản thân bao nhiêu năm nay mới thật sự mang lại gánh nặng cho những
người quan tâm tới mình. Cuối cùng anh đã lấy lại được dũng khí của bản thân.
Con người
vì một vài sự việc nào đó mà nảy sinh cảm giác tội lỗi và day dứt là chuyện
thường tình. Nhưng nếu sự tự dằn vặt này vượt quá giới hạn khiến cho bản thân
hoàn toàn đắm chìm trong đó, từ bỏ dũng khí sống thì việc tự dằn vặt này sẽ
biến thành tự ngược đãi và giày vò về mặt tinh thần. Chỉ có loại bỏ tạp niệm
trong lòng thì mới có thể để lại cho mình một không gian tâm hồn thuần khiết,
tươi đẹp.
Vậy con
người nên làm thế nào mới có thể có được sự tĩnh lặng và trong sạch cho tâm
hồn? Dùng phương thức nào mới có thể dẹp được những tạp niệm trong lòng? Thông
qua con đường nào mới có thể xua đi bóng tối để tìm thấy ánh sáng?
Đa phần con
người cảm thấy đau khổ là vì không nhìn thoáng, không buông bỏ được. Tạp niệm
giống như rác thải trong lòng, là con đường phiền não vô hình, đảo lộn cảm xúc
yên bình vốn có, khiến con người khó có thể tĩnh tâm. Sức khỏe, hạnh phúc, của
cải… tất cả những thứ tốt đẹp đều bắt nguồn từ sự thuần khiết của tâm hồn. Nếu
muốn có một cơ thể khỏe mạnh thì trước tiên phải làm sạch tâm hồn. Chỉ cần tâm
mang tạp niệm, trong huyết quản của con người sẽ tràn đầy sự nhơ bẩn và xấu xa,
tất cả tạp niệm – đố kị, buồn chán, oán hận – đều sẽ gây tổn hại tới sức khỏe
của cơ thể, khiến cảm giác vui vẻ của chúng ta dần dần tan biến. Ngược lại, nếu
tâm hồn thuần khiết, tươi đẹp, khỏe mạnh thì sẽ khiến cơ thể của chúng ta tràn
đầy sức sống.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét