Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018
Của cho vốn không bằng cách cho
Không ai trong chúng ta muốn trở thành một hòn đảo giữa đại
dương, vì chúng ta sống là sống trong mối tương quan với người khác, với tập
thể, với công đoàn. Một cuộc đời biết cho đi là một cuộc đời hạnh phúc. Thế
nhưng, cho đi cái gì và cho đi như thế nào lại là một vấn đề quan trọng. Trong cuộc sống
hàng ngày, bạn và tôi cũng đã từng kinh nghiệm ít nhiều về nghệ thuật cho đi.
Từng phút giây trôi qua, chúng ta cần phải học cách trao ban như thế nào để làm cho cuộc sống của bản thân và tha nhân được hạnh phúc và bình an. Ý thức
tầm quan trọng và giá trị của sự cho đi, ông cha ta đã đúc kết thành câu tục
ngữ tuy nhẹ nhàng nhưng đầy thâm thúy “của cho không bằng cách cho”.
Bạn biết đấy: học biết cho đi cái gì đó đã khó, nhưng học
biết cách thức cho đi lại càng khó khăn gấp bội. Kinh nghiệm cho thấy có những
khi chúng ta cho đi, nhưng người khác lại không đón nhận, hoặc có lúc người ta
đón nhận nhưng chỉ đón lấy trong sự ép buộc chứ không mấy vui vẻ. Thành thực mà
nói nhiều khi ta trao tặng mà người kia không đón nhận, có lẽ không phải vì món
quà không có giá trị, nhưng vì cách thức chúng ta cho đi có vấn đề.
Nhiều khi chúng ta cho người khác cái gì đó chẳng hạn như
một món quà, một ánh mắt, một cử chỉ, một thái độ, một lời khuyên răn mà đôi
lúc chúng ta vô tình cho mình là bề trên, là bậc đàn anh đàn chị, là kẻ có thế
có quyền, là kẻ ban ơn bố thí thì rất có thể bạn đang làm tổn thương người
khác. Ngược lại, đối phương tức là những người lãnh nhận món quà của ta, họ lại
bị ta xếp vào hạng những kẻ thấp hèn, nghèo khó, tội nghiệp, đáng thương. Những
lúc như vậy, quà tặng của chúng ta chắc chắn sẽ không được người khác đón nhận.
Bởi lẽ, đã là con người ai chẳng có lòng tự trọng. Cái tôi cá nhân, cái tính tự
ái dễ làm cho người ta có thái độ mặc cảm khi bị người khác coi thường. Người
đón nhận có thể sẽ không hài lòng, dù cho món quà của ta có giá trị đến đâu, và
người cho có quyền thế đến cỡ nào đi nữa. Một cách nào đó, tôi và bạn đã làm
tổn thương danh dự và nhân phẩm của người khác. Ngược lại, nếu bạn và tôi biết
cho đi một cách tế nhị bằng tấm lòng chân thành, thì dù cho món quà của chúng ta có
bé nhỏ, tầm thường đến đâu, nhưng chúng vẫn được đón nhận với tất cả sự biết ơn
và trân trọng.
Có khi chúng ta cho đi mà không được đón nhận cũng có thể vì
đối phương không cần cái đó, hoặc cái ta cho không hợp với sở thích của họ.
Cũng có khi điều chúng ta trao tặng làm cho người khác nghĩ rằng nhân phẩm của
họ bị bôi nhọ và họ cảm thấy không được tôn trọng xứng đáng. Điều ấy nhắc nhở
ta rằng: trước khi cho ai cái gì, bạn phải thực sự cân nhắc trước sau. Bạn nên
xem cái bạn cho có thực sự cần thiết cho đối phương không? có hợp với nhu cầu
và thị hiếu của đối phương hay không? Có như thế bạn sẽ không bao giờ phải thất
vọng về thái độ và cung cách đón nhận của người bên cạnh về những gì bạn cho đi.
Vậy chúng ta phải cho đi cái gì và cho đi như thế nào đây?
Có lẽ không ai trong chúng ta lại nghèo đến nỗi không có cái gì đó để cho đi.
Chúng ta có nhiều thứ để cho đi. Chúng ta có thể cho người khác một ánh mắt
thân thiện, một cái nhìn cảm thông, một thái độ yêu thương, trân trọng…. Chúng
ta có thể cho đi thời gian và sức lực, tiền bạc và trí tuệ. Cuộc đời chúng ta
chỉ trở nên có giá trị khi chúng ta biết cho đi. Hạnh phúc của chúng ta tùy
thuộc vào mức độ và cách thức chúng ta trao ban cho tha nhân những gì mình có.
Sống vì và sống cho người khác là cách làm tăng trưởng nhân cách và phẩm giá
của mỗi người. Cho đi là cả một nghệ thuật mà chúng ta cần phải trau dồi cho
bản thân mỗi ngày.
Chúng ta hãy cho đi bằng tất cả tấm lòng và hãy học cách cho
đi như chính Đức Giêsu đã cho đi. Nhìn lại trong dòng lịch sử, không có ai có
cách cho đi đẹp cho bằng Đức Giêsu. Ngài đã cho đi tất cả kể cả mạng sống của
mình chỉ vì yêu thương nhân loại. Sự trao hiến của Ngài là một sự cho đi đến
tận cùng, một sự cho đi không tính toán hơn thiệt. Ngài không những cho đi
chính mình mà còn dạy cho nhân loại chúng ta biết nghệ thuật của sự cho đi. Có
thể nói: cả cuộc đời Đức Giêsu là một lời giáo huấn liên tục về sự cho đi và
cách thức cho đi.
Như thế, kim chỉ nam của sự cho đi chính là sự chân thành
phát xuất từ một con tim biết cảm thông và yêu thương. Một khi chúng ta biết
cho đi bằng cả tấm lòng thì chắc chắn món quà của chúng ta sẽ được người khác
đón nhận với tất cả sự biết ơn và cảm phục. Nghệ thuật cho đi là bài học bạn
cần trau dồi mỗi ngày để có thể hoàn thiện bản thân và đem lại hạnh phúc cho
chính mình và cho tha nhân.
Tâm Thành
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Chuyên mục
- Dịch vụ khách hàng ( 25 )
- Digital Marketing ( 16 )
- Đạo đức kinh doanh ( 49 )
- Internet Marketing ( 15 )
- Khởi nghiệp ( 127 )
- Lãnh đạo ( 174 )
- Marketing Online ( 17 )
- Quản lý ( 135 )
- Quản trị nhân lực ( 34 )
- Số hóa doanh nghiệp ( 14 )
- Sở hữu trí tuệ ( 8 )
- Thương hiệu ( 73 )
- Tiếp thị liên kết ( 8 )
- Trải nghiệm khách hàng ( 59 )
- Triết lý kinh doanh ( 110 )
- Truyền thông ( 54 )
- Truyền thông nội bộ ( 34 )
- Truyền thông tiếp thị ( 31 )
- Tuyển dụng nhân sự ( 6 )
- Văn hóa doanh nghiệp ( 53 )
- Video Marketing ( 6 )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét